Amidan là gì? Vì sao chúng ta dễ bị viêm amidan? phòng ngừa

Amidan là một bộ phận khá nhạy cảm. Tình trạng bệnh lý viêm amidan xảy ra khá phổ biến ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu được Amidan là gì, có chức năng gì? Vì sao chúng ta dễ bị viêm amidan? Cách phòng ngừa và điều trị viêm amidan như thế nào?

Amidan là gì? Vị trí của Amidan

Amidan là một tổ chức lympho lớn nhất trên cơ thể người, nằm tập trung ở phía dưới niêm mạc hầu thành đám ở 2 bên thành họng.

Amidan là một tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể người
Amidan là một tổ chức lympho lớn nhất của cơ thể người

Cấu tạo của Amidan

Amidan bao gồm 6 khối nằm bao quanh cửa hầu và xếp thành một vòng kín gọi là vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldeyer): Amidan vòm (VA), Amidan vòi, Amidan khẩu cái (amidan), Amidan lưỡi.

Amidan khẩu cái có kích thước lớn nhất, nằm ở 2 bên thành họng và cũng là amidan dễ bị viêm nhất.

Amidan vòm (VA)

Amidan vòm chỉ có 1 khối hình tam giác ở vòm họng và có thể phát triển theo thành sau họng mũi. Đây được xem là hạch bạch huyết lớn nhất của cơ thể. Không giống như amidan khẩu cái, amidan vòm không được bao phủ bởi lớp biểu mô phía trên.

Không những thế, amidan vòm còn nằm ở vị trí cửa ngõ ra vào của hầu họng. Do đó, amidan vòm rất dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh. 

Amidan vòi

Gồm 2 amidan, nằm ở 2 bên phải và trái, quanh lỗ vòi tai, ngay vị trí dưới vòi Eustache. Đây là amidan có ít tổ chức Lympho và ít được chú ý đến khi nhắc đến amidan.

Amidan khẩu cái (amidan)

Gồm 2 amidan hình ô van màu hồng và có kích thước tùy vào độ tuổi. Amidan khẩu cái nằm ở 2 bên phải và trái, trong hố amidan của thành bên họng. Đây là phần amidan lớn nhất trong vòng bạch huyết Waldayer và là amidan duy nhất có thể quan sát bằng mắt thường.

Amidan khẩu cái gồm có 2 trụ là trụ trước và trụ sau. Bề mặt amidan gồm nhiều hốc sâu. Đây là nơi thực hiện chức năng chính của amidan và cũng là nơi dễ bị vi khuẩn và virus xâm nhập gây tình trạng viêm amidan.

Amidan lưỡi

Amidan này chỉ có 1 khối và nằm ở đáy lưỡi. Cũng giống như Amidan vòi, đây là nơi tập trung ít tế bào Lympho nhất và cũng ít khi được nhắc đến.

Chức năng của Amidan là gì?

Vai trò của amidan là miễn dịch có lợi cho cơ thể. Khi cơ thể bị xâm nhập bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp (vi khuẩn, virus…), vai trò của amidan là tiết ra kháng thể và các lympho bào để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bình thường amidan vòm (VA) dày khoảng 2mm nên không thể cản trở đường thở. VA tuy mỏng nhưng lại xếp thành nhiều nếp nên diện tiếp xúc của nó rất rộng. Nhiệm vụ của nó là nhận diện các vi khuẩn, tạo ra kháng thể và tiêu diệt vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập.

Khi chúng ta hít vào qua mũi, không khí sẽ tiếp xúc với VA trước rồi mới vào phổi. Vi khuẩn trong không khí bám vào bề mặt tiếp xúc rộng của VA. Các tế bào bạch cầu đang chờ sẵn ở đây sẽ giữ lại và nhận diện vi khuẩn để tạo ra được kháng thể.

Kháng thể này được nhân lên nhiều lần và đưa đi khắp nơi, tập trung nhiều nhất ở vùng mũi họng, tạo miễn dịch tại chỗ chống lại vi khuẩn. Vai trò của amidan rất quan trọng trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở cơ thể người.

Viêm amidan là gì?

Khi số lượng virus hoặc vi khuẩn vượt quá mức cho phép, xâm nhập ồ ạt vào cơ thể khiến amidan không thể kháng cự được, đây chính là thời điểm gây ra viêm amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần thì khả năng chống lại vi khuẩn và virus của nó sẽ bị yếu đi. Lúc này, chính các ổ viêm tại amidan lại trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn, khởi phát của các đợt viêm vùng họng.

Viêm amidan xảy ra khi số lượng vi khuẩn vượt quá mức cho phép, xâm nhập ồ ạt vào cơ thể 
Viêm amidan xảy ra khi số lượng vi khuẩn vượt quá mức cho phép, xâm nhập ồ ạt vào cơ thể
  • Viêm amidan cấp tính: Là khi amidan bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, khiến amidan bị sưng đỏ và gây ra cảm giác đau rát, khó chịu ở trong họng.
  • Viêm amidan mạn tính: Là tình trạng hố amidan không thể lưu thông được, tính tụ vi khuẩn, virus, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, khiến cho amidan bị tổn thương nghiêm trọng, amidan thường xuyên bị viêm đi viêm lại nhiều lần. Viêm amidan mạn tính lại chia thành 2 thể:

-Thể viêm quá phát: Amidan viêm phát triển to lên, thể này thường bắt gặp ở trẻ em hay những người trẻ tuổi.

-Thể viêm xơ teo: Amidan nhỏ lại.

Vì sao trẻ hay bị viêm amidan?

Trẻ em chính là đối tượng dễ bị viêm amidan nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động miễn dịch của amidan kém ở nhóm trẻ từ 4 – 10 tuổi. Đặc biệt là với các trường hợp trẻ thường xuyên bị viêm amidan tái phát nhiều lần, thì khi trẻ trên 10 tuổi, tình trạng viêm amidan sẽ giảm.

Nguyên nhân gây viêm amidan

Do cấu tạo của amidan có nhiều khe và hốc nên nơi đây chính là môi trường thuận lợi xâm nhập của các tác nhân gây bệnh cho cơ thể như:

  • Do nhiễm các loại virus như Enteroviruses, Adenoviruses, virus cúm, Virus Epstein-Barr, Virus Parainfluenza, virus herpes simplex.
  • Người bệnh có tiền sử từng mắc hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp do nhiễm khuẩn như ho gà, sởi…
  • Người bệnh vệ sinh cá nhân kém.
  • Do sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ uống lạnh như nước đá, kem, bia lạnh.
  • Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột cũng gây ra viêm amidan.

Triệu chứng của viêm amidan

Viêm amidan rất dễ nhận biết với một số triệu chứng đặc trưng được liệt kê dưới đây:

  • Cổ họng khô rát, hơi thở có mùi: Nguyên nhân là bởi các vi khuẩn tập trung ở amidan và các dịch mủ tồn đọng dẫn đến hơi thở có mùi, ngứa họng và vướng họng.
  • Amidan phì đại khiến việc nuốt đồ ăn gặp khó khăn, kể cả khi nói cũng không rõ ràng, xuất hiện hiện tượng ngáy khi ngủ.
  • Xuất huyết, hốc miệng có chấm mủ trắng hoặc vàng ở amidan và vòm miệng.
  • Ở cổ thấy xuất hiện hạch bạch huyết, nhất là ở vị trí thành sau hàm dưới dẫn đến sưng to và đau
  • Các triệu chứng khác có thể là sốt, chán ăn, mệt mỏi, khó tiêu và đau đầu…

Biến chứng của viêm amidan

Viêm amidan nếu không chữa trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn như:

  • Áp xe peritonsillar: Nhiễm trùng tạo ra một túi mủ nằm cạnh amidan, đẩy nó về phía đối diện. Áp xe peritonsillar cần phải được dẫn lưu khẩn cấp
Nếu không kịp thời chữa trị, viêm amidan có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm
Nếu không kịp thời chữa trị, viêm amidan có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân cấp tính: do virus Epstein-Barr gây ra, làm sưng to ở amidan, sốt, đau họng, mệt mỏi và phát ban.
  • Viêm họng liên cầu khuẩn Streptococcus – loại vi khuẩn, lây nhiễm amidan và cổ họng. Sốt và đau cổ đi kèm với đau họng.
  • Amidan mở rộng (phì đại): Amidan lớn làm hẹp kích thước đường thở, gây ra hiện tượng  ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ nhiều hơn.
  • Sỏi amidan: xuất hiện các khối màu trắng hoặc vàng trên amidan do mắc thức ăn tại amidan khiến vi khuẩn phát triển, lắng đọng chất cặn và tạo thành sỏi.
  • Viêm khớp cấp: Các khớp cổ tay, đầu gối, các ngón tay, ngón chân bị sưng, nóng, đỏ và đau, cơ thể mệt mỏi, uể oải.
  • Sau viêm amidan có thể gây ra viêm cầu thận, viêm thận cấp: Người bệnh bị phù chân, phù mặt

Cách phòng ngừa viêm amidan

Viêm amidan chủ yếu là do virus, vi khuẩn truyền nhiễm gây ra. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là luôn giữ vệ sinh cơ thể.

  • Rửa tay kỹ và thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Tránh dùng chung thức ăn, cốc uống nước, chai nước hoặc đồ dùng cá nhân
  • Thay bàn chải đánh răng khi bị viêm amidan
  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi và rửa tay thật sạch

Trường hợp nào nên cắt amidan?

Nhiều người băn khoăn có nên cắt viêm amidan hay không? Câu trả lời là nếu bạn bị viêm amidan ở mức độ nhẹ thì không nhất thiết phải cắt, bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan trong các trường hợp sau:

  • Viêm amidan cấp tính tái đi tái lại từ 5-6 lần/năm hoặc gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm khớp, viêm cầu thận hoặc thấp tim…
  • Kích thước amidan quá to gây cản trở việc ăn uống, ngủ ngáy, khó thở lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần
  • Viêm amidan mãn tính trong thời gian dài dù điều trị nội khoa vẫn không hiệu quả, bệnh nhân vẫn bị đau họng, viêm hạch cổ và hơi thở hôi
  • Biến chứng áp xe quanh amidan nặng phải nhập viện điều trị
  • Khi nghi ngờ có khối u ác tính, amidan chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng
Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ
Chỉ nên cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ

Các phương pháp giữ cho Amidan luôn khỏe

  • Giữ ấm cho họng: Hạn chế sử dụng các đồ lạnh như kem, nước đá, đặc biệt khi vừa đi ngoài trời nóng vào. Khi đó sự thay đổi nhiệt độ đột ngột  sẽ khiến cơ thể yếu đi và dễ bị virus, vi khuẩn có sẵn trong họng tấn công.
Hạn chế sử dụng đồ uống lạnh
Hạn chế sử dụng đồ uống lạnh

Vào thời tiết lạnh, nên quàng khăn để giữ ấm cho cổ. Không nên che chắn quá kín để hấp hơi, đổ mồ hôi cơ thể.

  • Giữ vệ sinh khoang miệng: Thường xuyên đánh răng đúng cách và súc miệng với nước muối sinh lý ấm để làm sạch và phòng ngừa vi khuẩn, virus.
  • Giữ vệ sinh không khí: Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, không gian sống, tăng cường lưu thông khí trong nhà. Điều này giúp loại bỏ các vi khuẩn, virus tích tụ lâu trong nhà, loại trừ bụi bặm để bầu không khí trở nên trong lành. Khi tham gia giao thông nên đeo khẩu trang để tránh khói bụi, ô nhiễm.
  • Tăng cường sức đề kháng: bằng việc ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Uống đủ nước hàng ngày và tránh để cho cổ họng khô. Đồng thời, mỗi ngày nên duy trì tối thiểu 30 phút luyện tập thể thao giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

Albumin là gì? Xét nghiệm Albumin để làm gì? Khi nào cần xét nghiệm?

AHA là gì? Công dụng, nồng độ và cách sử dụng AHA hiệu quả

Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu được Amidan là gì và tầm quan trọng của nó với sức khỏe con người. Amidan chính là nơi sản sinh ra những kháng thể đầu tiên chống lại tác nhân có hại từ môi trường. Vì thế hãy giữ cho Amidan luôn khỏe mạnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *